Bạn cần tư vấn:
0903.669.863
Thời gian:
Thứ 2 - Thứ 7 : 8h đến 18h

Vật liệu & Công nghệ

Giải pháp “xanh” trong thiết kế không gian bếp tương lai

Không chỉ là nơi giữ lửa, căn bếp còn là “bảo tàng” riêng lưu giữ khoảnh khắc sum vầy và câu chuyện sẻ chia của mỗi gia đình. Cùng với sự phát triển xã hội, giờ đây các gia chủ còn cân nhắc đến những giải pháp xanh hiện đại để hướng đến sự bền vững mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ.

Cuộc cách mạng “xanh” trong thiết kế không gian bếp

Không giống như phòng khách hay phòng ngủ, không gian bếp thường là nơi ít được chú tâm trong toàn bộ không gian nhà. Tuy nhiên, theo thời gian, vượt ra khỏi chức năng phục vụ nấu nướng, căn bếp còn là nơi khơi dậy vượng khí, duy trì cuộc sống của gia đình và ngày càng được chăm chút về công năng lẫn thiết kế.

 
Giai phap xanh thiet ke khong gian bep tuong lai Xu hướng thiết kế không gian bếp xanh hướng đến sự phát triển bền vững

Thiết kế nhà bếp “xanh” đang là xu hướng được rất nhiều gia chủ lựa chọn đó là biến căn bếp trở thành một không gian thân thiện với môi trường, sử dụng các chất liệu bền vững và tiết kiệm điện năng. Xu hướng này không những giúp gia chủ tiết kiệm chi phí mà còn mang lại vẻ đẹp độc đáo cho không gian bếp. Sau đại dịch, sức khỏe ngày càng được chú trọng nên việc tạo ra một căn bếp thoải mái, sạch sẽ và bảo vệ sức khoẻ cũng góp phần khiến xu hướng này trở thành một cuộc “cách mạng” tất yếu.

Không chỉ là đối tác trong các sự kiện về giải pháp công trình xanh của Bộ xây dựng (MOC), Hiệp Hội Kiến trúc sư Việt Nam (VAA), mới đây Panasonic Việt Nam còn chính thức gia nhập Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) hứa hẹn sẽ là khởi đầu cho các hoạt động cùng đóng góp các giải pháp bền vững không chỉ cho nhà ờ mà còn cho các công trình thương mại trong tương lai.

Tại sự kiện trao giải cuộc thi Kitchen Insight – cuộc thi thiết kế không gian bếp do Panasonic tổ chức, ông Douglas Snyder, Giám đốc Điều hành Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC), đã chia sẻ về việc kiến tạo một không gian bếp bền vững. Ông cho rằng “chìa khóa” nằm ở việc sử dụng vật liệu, tận dụng ánh sáng sinh học, tối ưu hiệu quả của nguồn năng lượng và lựa chọn hệ thống thông gió thích hợp.

Giai phap xanh thiet ke khong gian bep tuong lai
Ông Douglas Snyder chia sẻ về thiết kế không gian bếp xanh tại Lễ trao giải cuộc thi Kitchen Insight

Trong những năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm và sử dụng những vật liệu không độc hại, thân thiện với môi trường đang trở nên phổ biến hơn. Đối với bàn ăn, quầy bar, và tủ bếp, những vật liệu như gỗ, kim loại tái chế, đá thạch anh nhân tạo được ưa chuộng bởi độ bền cao, dễ dàng chế tác và đặc biệt chống bám bẩn, ngăn ngừa vi khuẩn.

Ngoài ra, các kiến trúc sư cũng tập trung vào việc tận dụng tối đa ánh sáng sinh học, mang lại môi trường sống gần gũi với tự nhiên. Đồng thời, sử dụng các thiết bị điện tử hiệu suất cao, vòi sen tiết kiệm nước, để giảm bớt nguồn năng lượng tiêu thụ và góp phần bảo vệ môi trường.

Có thể thấy, những căn nhà với không gian bếp được trang bị hệ thống điều hoà không khí với công nghệ lọc khí tiên tiến và thông gió hiện đại cũng trở thành những minh chứng điển hình cho sự đổi mới trong thiết kế. Nhờ vậy, chất lượng không khí trong nhà được cải thiện.

Nâng tầm không gian sống với những giải pháp bền vững

Không chỉ là Thương hiệu điện tử tiêu dùng toàn cầu với lịch sử hơn 100 năm, Tập đoàn Panasonic cũng sớm hình thành và phát triển các giải pháp HVAC chuyên nghiệp (Heating, Ventilation và Air Conditioning – hệ thống sưởi, thông gió và điều hoà không khí) từ năm 1913.

Đến nay, Panasonic vẫn không ngừng nỗ lực đổi mới và tiếp tục hành trình cung cấp giải pháp sức khoẻ toàn diện nhằm cải thiện chất lượng không khí trong nhà từ công trình dân dụng đến thương mại với hệ thống sản phẩm đa dạng và công nghệ tiên tiến. Tại Việt Nam, với mục tiêu phát triển xã hội bền vững, Panasonic hướng tới việc cung cấp những giải pháp tối ưu hiệu suất năng lượng, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về đạt mức phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2050.

Giải pháp HVAC của Panasonic được thiết kế và quản lý giữa các hệ thống điều hòa, thông gió và lọc khí bởi các chuyên gia kinh nghiệm trong ngành, đáp ứng nhu cầu sử dụng từ công trình dân dụng đến thương mại, mang đến chất lượng không khí sạch cho môi trường trong nhà, tối ưu hiệu suất làm mát, sưởi ấm mà vẫn tiết kiệm điện năng, thân thiện với môi trường. Công nghệ lọc khí độc quyền nanoe™X được nghiên cứu và phát triển hơn 20 năm, đã chứng minh được hiệu quả trong việc ức chế vi rút, vi khuẩn, khử mùi, các chất dị ứng để bảo vệ sức khỏe người sử dụng (*)

Giai phap xanh thiet ke khong gian bep tuong lai
Giải pháp HVAC cải thiện chất lượng không khí hiệu quả

Không chỉ tập trung phát triển công nghệ, Panasonic cũng chú trọng tới thiết kế của các sản phẩm trong bộ giải pháp HVAC nhằm hướng đến những không gian giàu công năng và duy mỹ, đáp ứng toàn vẹn tiêu chí để trở thành giải pháp bền vững cho mọi công trình.

Với hơn 50 năm phát triển tại Việt Nam, Panasonic cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, đóng góp cho sự thịnh vượng, phát triển bền vững cũng như mang đến cuộc sống tiện nghi, khỏe mạnh cho người Việt.

(*) Được xác minh trong điều kiện phòng thử nghiệm của các trường đại học và viện nghiên cứu.

© Tạp chí Kiến trúc

Nguồn:tạp chí kiến trúc : https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/giai-phap-xanh-trong-thiet-ke-khong-gian-bep-tuong-lai.html

Vật liệu & Công nghệ

Chiếu sáng kiến trúc ngoại thất tạo nên một không gian ngoại thất ấn tượng và thẩm mỹ

Xu hướng chiếu sáng nhà ở ngày nay không chỉ tập trung vào không gian bên trong căn nhà mà còn mở rộng đến khu vực ngoại thất. Giải pháp chiếu sáng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để làm nổi bật cũng như nâng cao thẩm mỹ của không gian này. Thêm vào đó, đèn ngoài trời giúp tăng cường an toàn cho khu vực ngoài nhà.

Chiếu sáng ngoại thất là sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật và tiện ích. Đèn sân vườn, đèn chiếu sáng cho hồ bơi, sân thượng, hay khu vực lounge ngoại thất không chỉ đơn thuần chiếu sáng mà còn là giải pháp giúp tạo nên bức tranh không gian sống ấn tượng và đẳng cấp.

Đèn sân vườn: Kết hợp nghệ thuật và tiện ích

Đèn sân vườn không chỉ mang lại nguồn ánh sáng mà còn tạo điểm nhấn thú vị cho khu vực xung quanh. Với đủ loại kiểu dáng và màu sắc, giải pháp chiếu sáng kiến trúc tạo ra không gian sống ngoại thất độc đáo và ấn tượng vào buổi tối. Sự kết hợp giữa ánh sáng mềm mại và thiết kế độc đáo của đèn sân vườn giúp tạo ra không khí ấm cúng, thích hợp cho các buổi tối thư giãn cùng gia đình và bạn bè.


Unios – Giải pháp chiếu sáng kiến trúc dành cho ngoài trời

Đối với đèn sân vườn, không chỉ các yếu tố về thiết kế và màu sắc mà còn có những chỉ số kỹ thuật quan trọng cần được xem xét để đảm bảo hiệu suất tối ưu.

Công suất ánh sáng (Lumen): Đo lường độ sáng mà đèn sân vườn có thể tạo ra. Tuỳ thuộc vào kích thước của khu vực, cần xác định số lượng lumen để đảm bảo ánh sáng đủ cho không gian.


Unios – Giải pháp chiếu sáng kiến trúc dành cho ngoài trời

Điều khiển thông minh (Smart control): Cân nhắc sử dụng đèn có thể điều khiển từ xa hoặc tích hợp công nghệ thông minh để tăng cường trải nghiệm người dùng. Người dùng có thể thiết lập các ngữ cảnh chiếu sáng để đảm bảo an toàn cho các hoạt động ngoài trời, đồng thời tiết kiệm điện ở khu vực và thời điểm không cần đến ánh sáng nhân tạo.

Sân thượng và khu vực Lounge ngoại thất: Tận hưởng không gian ngoại thất 24/7

Sân thượng và khu vực lounge ngoại thất trở thành điểm đến lý tưởng cho những buổi gặp gỡ bạn bè hay thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng. Việc sử dụng đèn chiếu sáng kiến trúc tại những khu vực này không chỉ tăng cường ánh sáng mà còn tạo ra sự tinh tế và thư giãn cho không gian. Việc cân nhắc giữa yếu tố thẩm mỹ và hiệu suất kỹ thuật vô cùng quan trọng để tạo ra một không gian lounge ngoại thất. Từ đèn treo thả, đèn tường, hay đèn sàn đều có thể tích hợp linh hoạt để tạo nên không gian đa dạng và phong cách.

Unios – Giải pháp chiếu sáng kiến trúc dành cho lounge ngoài trời

Điều chỉnh ánh sáng (Dimming): Khả năng điều chỉnh độ sáng của đèn giúp tạo ra sự linh hoạt và tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, điều chỉnh độ sáng có thể giúp tạo ra bầu không khí cũng như cảm xúc cho không gian để thích ứng với nhu cầu khác nhau của gia chủ.


Unios – Giải pháp chiếu sáng kiến trúc dành cho lounge ngoài trời

Nhiệt độ màu (Kelvin – K): Lounge ngoại thất thường là nơi gia đình và bạn bè gặp mặt và quay quần để giải trí hoặc thư giãn. Việc chọn màu ánh sáng ấm hoặc lạnh sẽ phụ thuộc vào mục đích sử dụng không gian cũng như các hoạt diễn ra tại khu vực ấy.

Chỉ số hoàn màu (CRI): Đối với đèn kiến trúc tại khu vực này, CRI cao giúp tái tạo màu sắc chân thực, làm tăng giá trị thị giác của không gian. Đặc biệt, với các gia chủ có sở thích trưng bày nghệ thuật, việc chọn giải pháp chiếu sáng có CRI 90 trở lên càng cần được chú trọng.

Chiếu sáng cho hồ bơi: đảm bảo an toàn và nâng cao thẩm mỹ

Chiếu sáng cho hồ bơi không chỉ giúp tạo ra một bức tranh ngoại thất đẹp mắt mà còn nâng cao tính an toàn. Đèn dưới nước không chỉ giúp nhận biết ranh giới của hồ bơi mà còn tạo ra ánh sáng lung linh dưới đáy nước, biến không gian trở nên tràn ngập sức sống. Sự kết hợp giữa ánh sáng và hiệu ứng nước vẽ nên bức tranh thị giác tuyệt vời, khiến cho hồ bơi trở thành trung tâm của không gian ngoại thất vào buổi tối.


Unios – Giải pháp chiếu sáng kiến trúc dành cho hồ bơi

Chất liệu: Vì đèn sẽ tiếp xúc trực tiếp với nước và hóa chất trong hồ bơi, chọn đèn có chất liệu chống ăn mòn như thép không gỉ, nhựa chịu hóa chất, nhựa PU hoặc silicone.

Độ bền và chống nước: Đèn sẽ phải chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt nếu được sử dụng ngoại thất. IP Rating mô tả khả năng chống nước và bụi của đèn.


Unios – Giải pháp chiếu sáng kiến trúc dành cho hồ bơi

Tuổi thọ đèn và bảo dưỡng: Đèn với tuổi thọ cao giảm tần suất bảo dưỡng và thay thế, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí.

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2023)

Nguồn:tạp chí kiến trúc : https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/chieu-sang-kien-truc-ngoai-that-tao-nen-mot-khong-gian-ngoai-that-an-tuong-va-tham-my.html

Thiết kế bền vững Giải pháp kiến tạo tương lai cho công trình xây dựng
Vật liệu & Công nghệ

Thiết kế bền vững: Giải pháp kiến tạo tương lai cho công trình xây dựng

Thiết kế công trình bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đang là xu hướng kiến trúc chủ đạo hướng đến tăng trưởng xanh toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiện nay có rất nhiều cách kiến tạo tương lai bền vững cho công trình xây dựng tại Việt Nam, từ các thiết bị như tấm pin mặt trời, đến các giải pháp thiết kế hoàn toàn mới, giúp tiết kiệm năng lượng cho công trình xây dựng.

Thiết kế bền vững Giải pháp kiến tạo tương lai cho công trình xây dựng
Công trình được xây dựng bằng việc giữ nguyên kết cấu và tái sử dụng vật liệu mặt tiền.

Nhu cầu nhà ở gia tăng đã tạo nên áp lực đối với môi trường sống của con người chính là lúc các kiến trúc sư (KTS) kiến tạo ra các công trình thiết thực mang nhiều ý nghĩa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Đầu tiên là việc cải tiến và tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu thay vì việc tạo ra các sản phẩm chỉ có hình thức đẹp hay tiện lợi. Hay nói cách khác, các KTS cần mạnh dạn bước những bước đi xa hơn việc thẩm mỹ đơn thuần.

Nạn ô nhiễm môi trường đã và đang gióng hồi chuông cảnh báo với toàn xã hội loài người, và thiết kế bền vững chính là một trong những giải pháp hữu hiệu trong ứng phó với nó.

Chia sẻ về điều này KTS Phạm Trung – Trưởng nhóm thiết kế chính của STD Design Conlultant cho biết: “Trong một vài công trình, không hài lòng với các mảng xanh bên ngoài, chúng tôi tạo ra những khu vườn bên trong nhà nơi mà có thể ngắm nhìn từ phòng ngủ, tạo ra ích lợi thực sự cho môi trường sống của chúng ta. Thiết nghĩ, chúng ta cần chú trọng nhiều hơn đến công tác giáo dục các sinh viên ngành kiến trúc, hướng họ nâng cao trách nhiệm đối với thiết kế bền vững. Bên cạnh đó, đã đến lúc các KTS tập trung suy nghĩ nên làm cái mà xã hội cần thay vì mình muốn làm gì theo phong cách, sở thích cá nhân. Vì khi xem xét 1 công trình thiết kế xanh, không hẳn nằm ở việc công trình đó dùng vật liệu tái chế hay vật liệu gì mà cần xem xét tính hữu dụng của công trình đó đối với đời sống xã hội, liệu nó có xứng đáng để được xây dựng hay không”.

Khi đã biết được sự cần thiết xây dựng công trình đó, người KTS phải xem xét toàn bộ chu kỳ tồn tại của công trình, rằng có đảm bảo cho nó có sức sống dài hạn hay chúng sẽ bị phá hủy và tạo ra cả tấn rác thải.

Cụ thể như địa điểm tổ chức tiệc cưới tiết kiệm dành cho công nhân, người có thu nhập thấp thì yêu cầu đầu tư tài chính tối thiểu. Vì vậy, khi nhận công trình, các KTS đã nảy ra ý tưởng và tư vấn cho chủ nhà hàng tiệc cưới ở Bình Thạnh, TP.HCM nâng cấp tòa nhà thay vì phá bỏ và xây dựng lại. Tất cả các chi tiết kết cấu của tòa nhà đều được giữ nguyên, ổn định trước khi mặt tiền tòa nhà được bọc lại từ vật liệu composite đã được sử dụng trước đó. Cải tạo lại công trình giúp chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí nhất là chi phí đầu tư xây dựng, chi phí nguyên vật liệu và thời gian.

Thiết kế bền vững Giải pháp kiến tạo tương lai cho công trình xây dựngTính bản địa của cảnh quan, góc chiếu của ánh sáng mặt trời, hướng đi của gió tự nhiên từ công trình nằm giữa những căn nhà cổ miền Bắc.

Trong đó nguyên tắc thiết kế, cần hiểu rằng các công trình kiến trúc không thể tồn tại tách biệt với các yếu tố khác như cảnh quan xung quanh, chủ nhân và chức năng của chúng. Cấu trúc bền vững nên được đặt đúng vị trí thích hợp. Ông Trung chia sẻ: “Do đó, chúng tôi thường thiết kế các công trình bằng cách phản ứng với môi trường nơi chúng tồn tại, với tính bản địa của cảnh quan, góc chiếu của ánh sáng mặt trời, hướng đi của gió tự nhiên từ công trình nằm giữa những căn nhà cổ ở Quốc Oai, Hà Nội”.

Công trình 3 tầng với 3 thế hệ sinh sống, được áp dụng khéo léo phong cách đương đại. Thiết kế phù hợp trong việc tạo nên sự tương phản kiến trúc đương đại của ngôi nhà với nét cổ xưa cảnh quan lân cận. Ngôi nhà có một phần mặt hướng Tây chịu nắng nóng được xây “kín cổng cao tường”. Nhóm thiết kế đã xử lý khéo léo với 3 cửa sổ bên hông nhà nhô ra ở hướng ngược lại. Qua đó, cửa sổ đã được che chắn đi phần nắng gắt nhưng vẫn tối ưu được ánh sáng và gió tự nhiên. Gió mát sẽ đi vào thông qua hệ thống cửa sổ được lắp tại tất cả các phòng. Mặt tiền hướng Nam được ưu tiên lắp đặt tấm kính lớn, mang đến một không gian mở, lấy ánh sáng một cách tối đa khi cần thiết. Ngoài ra, ngoại thất của căn nhà còn được kết hợp từ nhiều vật liệu khác như đá ong xám địa phương, đây là loại đá có đặc tính dẻo dai và hấp thu nhiệt độ kém và tỏa nhiệt nhanh, đem lại không gian mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Đối với ngôi nhà nằm chơ vơ giữa những mái nhà tôn hoen gỉ bên cạnh, nằm tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Công trình thu hút sự chú ý của người đi đường bởi vẻ đẹp của hình khối khúc triết và đơn giản đến táo bạo với hệ thống lam trượt bằng gỗ giá tỵ có chức năng đóng – mở tối đa để che mưa che nắng mà không hạn chế tầm nhìn nhưng cũng đồng thời giúp thông gió; kết hợp với trồng xen kẽ cây xanh ngoài ban công để lọc bớt ánh nắng và giảm nhiệt trung gian cho ngôi nhà.

Thiết kế bền vững Giải pháp kiến tạo tương lai cho công trình xây dựngKiến trúc sư cùng làm việc với các công nhân để tái sử dụng vật liệu công trình cũ.

Áp dụng chiếu sáng và thông gió tự nhiên vào các công trình giúp giảm thiểu điện năng dùng cho thiết bị chiếu sáng nhân tạo và điều hòa nhiệt độ, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu được lượng khí thải carbon và mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến chất lượng môi trường sống bền vững dài lâu.

Bên cạnh đó, một việc quan trọng nữa nên đặc biệt chú ý trong quá trình thiết kế đó là yếu tố địa phương. Các KTS nên ưu tiên sử dụng nhân công và vật liệu tại chỗ nhằm giảm bớt các tác động xây dựng, đưa công trình hòa hợp hơn với cộng đồng và liên kết xã hội xung quanh.

Và tất nhiên, chúng ta không thể nào quên được yếu tố tự nhiên. Từ góc độ vi mô đến vĩ mô, các công trình đang khuyến khích các KTS bắt đầu phải nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tái tạo lại tính bền vững trong ngành Xây dựng. Với động lực thúc đẩy và nguồn cảm hứng từ tự nhiên, chúng ta hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn, hài hòa với thiên nhiên trên mảnh đất Việt Nam tươi đẹp. Nó cũng chính là kim chỉ nam cho các KTS có quan tâm đến môi trường rằng: Đây chính là con đường và lựa chọn đúng đắn mà các KTS chuyên nghiệp nên quyết tâm đi đến cùng.

Theo Thanh Huyền (Báo Xây dựng)

Nguồn:tạp chí kiến trúc : https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/thiet-ke-ben-vung-giai-phap-kien-tao-tuong-lai-cho-cong-trinh-xay-dung.html

“Xanh hóa” vật liệu xây dựng
Vật liệu & Công nghệ

“Xanh hóa” vật liệu xây dựng

Sản xuất vật liệu xây dựng là ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên. Do đó, thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng “xanh hóa” sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững.

“Xanh hóa” vật liệu xây dựngPhát triển vật liệu xây dựng xanh để tạo ra những đô thị xanh. Ảnh: Hà An.

Xu hướng tất yếu

Theo thống kê của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), các công trình xây dựng sử dụng khoảng 40% nguồn năng lượng, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% chất thải rắn xây dựng. Lượng chất thải kể trên đã tác động không nhỏ đối với môi trường, đòi hỏi cần phải có sự chuyển đổi. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên khoáng sản đang ngày càng cạn kiệt, cùng với gia tăng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, việc phát triển các loại vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường đang dần trở thành xu thế tất yếu, là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), cũng như nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Minh chứng từ thực tế cho thấy, xanh hóa ngành VLXD là con đường tất yếu mà các doanh nghiệp (DN) phải lựa chọn nhằm hạn chế phụ thuộc vào tài nguyên khan hiếm, bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững trên thị trường. Việc thực hành ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) hay những cam kết về phát triển bền vững không còn là lựa chọn của DN mà đã trở thành bắt buộc khi EU đã áp dụng thuế phát thải carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng cho các ngành phát thải cao nhất có nguy cơ rò rỉ cao nhất, như sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, hydro, điện và sẽ được mở rộng sang các ngành khác theo lộ trình. Là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, Việt Nam hiện có 4 nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU là nhôm, thép, xi măng và phân bón.

“Thực hiện cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc phát triển sản xuất luôn phải thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, từng bước thay thế nguyên vật liệu gây phát thải khí nhà kính; giảm, thay thế sử dụng nhiên liệu hóa thạch sớm nhất có thể” – PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh.

Không ít thách thức

Trước thực trạng nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn dần, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, các DN sản xuất VLXD trên cả nước đã và đang có những bước chuyển chủ động sang sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Đây là hướng đi hứa hẹn mang lại nhiều hơn nữa lợi ích về kinh tế cho các DN sản xuất VLXD. Một trong những xu hướng quan trọng nhất mà các DN sản xuất VLXD hướng đến là sử dụng vật liệu tái chế và có khả năng tái chế trong quá trình xây dựng, đồng thời thiết kế các công trình để giảm lượng rác thải và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng. Mặc dù vậy, quá trình “xanh hóa” ngành VLXD gặp không ít những khó khăn.

Đề cập những khó khăn trong quá trình xanh hóa ngành này, TS Nguyễn Quang Hiệp – Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) cho rằng, hiện nay chi phí đầu tư, cải tạo dây chuyền, thiết bị hiện có cho phù hợp với việc sản xuất các loại VLXD xanh là khá lớn, khiến nhiều DN gặp khó khăn trong việc cân đối chi phí tài chính để đầu tư. Trong khi đó, khuôn khổ pháp luật hiện hành chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho các DN, nên chưa khuyến khích nhiều DN đẩy mạnh phát triển VLXD xanh.

Bên cạnh đó, năng lực và trình độ công nghệ sản xuất VLXD xanh tại Việt Nam cũng còn hạn chế, trong khi giá thành sản phẩm còn cao, nên chưa thể cạnh tranh mạnh mẽ với các loại vật liệu khác. Ngoài ra, nhận thức của các đơn vị xây dựng, người tiêu dùng về sản phẩm VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường còn có những hạn chế nhất định. Điều này ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh sản xuất các VLXD xanh, cũng như đưa vào sử dụng rộng rãi trong các công trình…

Để có thể hiện thực hóa “xanh hóa” trong lĩnh vực VLXD, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm VLXD xanh, thân thiện với môi trường, làm cơ sở cho các DN có căn cứ áp dụng trong quá trình sản xuất. Song song với đó, Nhà nước cũng cần có những biện pháp hành chính cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng những VLXD thân thiện với môi trường.

Cùng với cơ chế hỗ trợ chính sách từ Nhà nước thì cũng cần sự thay đổi của DN. Theo đó, các DN cũng cần chú trọng đến việc lựa chọn những công nghệ sản xuất VLXD theo hướng sử dụng được nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác. Đồng thời, các DN cần tìm ra các giải pháp để giảm giá thành hơn nữa đối với VLXD xanh, để cạnh tranh tốt với các loại vật liệu truyền thống có tính năng tương tự.

Theo Bộ Xây dựng, để giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp sản xuất VLXD nói riêng, ngành công nghiệp nói chung, cần có các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất để xanh hóa ngành công nghiệp sản xuất VLXD, xanh hóa ngành công nghiệp xây dựng, góp phần xanh hóa nền kinh tế và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam. Chính vì vậy, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030 của Bộ Xây dựng đã được ban hành, trong đó có nhiệm vụ ưu tiên về kiểm kê khí nhà kính, thực hiện đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính…

Theo Hà An (Đại đoàn kết)

Nguồn:tạp chí kiến trúc : https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/xanh-hoa-vat-lieu-xay-dung.html