Vật liệu nội thất
Vật liệu nội thất vốn nhiều chủng loại và nguồn gốc, hiện nay chúng càng phong phú và đã tiến đến mức sản phẩm cùng chất liệu được chế tạo mang tính chuyên biệt. Bài viết chỉ nêu các kiến thức chung mang tính định hướng mà thôi.
Vai trò của vật liệu và việc lựa chọn vật liệu trong thiết kế nội thất
Vật liệu là thực thể vật chất hóa bản vẽ thiết kế để hình thành nên các thành phần nội thất: Bao che, đồ đạc, trang trí.. mà con người sẽ tiếp xúc, cảm nhận trực tiếp trong không gian thực. Vật liệu và lớp hoàn thiện vừa đảm bảo yêu cầu công năng lại cũng là phương tiện biểu đạt tính thẩm mỹ của không gian.
Hiểu biết mọi mặt của vật liệu là kiến thức cơ bản và phải được cập nhật thường xuyên. Khai thác tối đa các tính năng đặc điểm của mỗi loại vật liệu, đồng thời hỗ trợ nhau để gắn kết thành một thể thống nhất là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của thiết kế: Giúp bảo đảm công năng, độ bền, vẻ đẹp mỗi thành phần và toàn bộ không gian nội thất với giá thành hợp lý nhất. Chính vì vậy bảng vật liệu là thông tin không thể thiếu trong hồ sơ thiết kế, xuất hiện ngay từ giai đoạn đề xuất ý tưởng (Hình 1).
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vật liệu vượt ra khỏi một yếu tố thiết kế độc lập, trở thành một thành phần trong thiết kế tổng thể và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người sử dụng nhận thức ý tưởng thiết kế hoặc cảm nhận vẻ đẹp và công năng của công trình (như được thể hiện trong sơ đồ của Donia M Bettaieb – Khoa thiết kế Nội thất, Đại học King Abdulaziz, Jeddah, KSA. ).
Như vậy, kiến thức về vật liệu không chỉ cần thiết mà còn nâng cao khả năng sáng tạo của Nhà thiết kế nội thất. Một số dự án, vật liệu được coi là cảm hứng hình thành ý đồ của các thiết kế dạng “chơi” vật liệu. Trong quá trình kiếm vật liệu, không ít Nhà thiết kế nội thất đã đề xuất các giải pháp ứng dụng khác thường, hoặc tìm ra cách xử lý bề mặt, cấu trúc, phương pháp sản xuất mà từ đó nhiều vật liệu mới ra đời.
Vật liệu và chất cảm vật liệu
Vật liệu và các khái niệm liên quan
Từ ngữ thông thường ít có sự khác nhau giữa vật liệu và chất liệu (Tiếng Anh cũng thường dùng chung từ Materials). Thế nhưng trong lĩnh vực nội thất lại cần có cách hiểu tách biệt.
Vật liệu (tiếng Anh: Materials) được định nghĩa là chất hoặc hợp chất được con người dùng để làm ra những sản phẩm khác, là đầu vào trong một quá trình sản xuất hoặc chế tạo nào đó và còn được gọi là nguyên liệu hoặc vật liệu thô. Sản phẩm của quy trình sản xuất này có thể lại là nguyên liệu của quy trình sản xuất khác. Trong nội thất, vật liệu là nguyên liệu đã qua quá trình xử lý và phải thêm công đoạn gia công chế tác mới làm ra các sản phẩm hoàn thiện. Các công đoạn gia công chế tác có thể được thực hiện tại công trình hoặc tại cơ sở sản xuất thành sản phẩm rồi lắp đặt tại công trình.
Thời trước, mỗi loại vật liệu có khả năng ứng dụng rất rộng trong nội thất, ví dụ như từ gỗ tự nhiên người ta có thể chế tác ra hầu hết các thành phần nội thất, từ sàn trần tường tới đồ đạc, trang trí. Ngày nay, vật liệu nội thất được chế tạo hướng đến mức độ chuyên sâu hơn rất nhiều. Vẫn lấy gỗ ra làm ví dụ, vật liệu gỗ sử dụng làm sàn sẽ khác với vật liệu gỗ sử dụng làm tường hoặc trần và càng khác xa với gỗ dùng làm đồ đạc..
Mỗi vật liệu đều có các đặc tính riêng như sức nặng, mật độ, đặc tính chịu lực, độ bền, hình dạng, bề mặt ngoài, màu sắc, giá thành..và công dụng. Theo cấu tạo và chức năng, các vật liệu nội thất được xem xét trên cơ sở chức năng gồm phần cốt lõi và lớp phủ bề mặt. Phần cốt lõi mang chức năng cấu tạo (định hình, chịu lực) và phần bề mặt mang chức năng thẩm mỹ. Có vật liệu mà bề mặt là chính nó gọi là vật liệu đồng chất (liền khối – solid) như gỗ và đá tự nhiên, song mây và rơm, gạch và gốm nung, kim loại và hợp kim, vải và da… Có vật liệu cần đến lớp phủ ngoài mặt mang tính bảo vệ hoặc trang trí như các loại tấm phủ gỗ lạng hoặc Melamine, gạch Ceramic hay tấm xi măng giả gỗ, đá… Có vật liệu chuyên dùng để bao phủ bên ngoài gọi là vật liệu hoàn thiện, được sử dụng để làm nổi bật hình thức, che đậy các thành phần cấu trúc hoặc bất kỳ chức năng cần thiết khác như sơn dầu, sơn nước, decan hoặc giấy dán tường và trần… Vật liệu đồng chất có đặc điểm quan trọng là dù cho bị bào mòn do thời gian, sửa chữa hay phục hồi thì bề mặt vẫn là nó, không mất đi bản chất của chất liệu nên đôi lúc còn gọi là vật liệu “thật” để phân biệt với vật liệu “giả trang” có bề mặt chỉ là lớp trang trí nhại lại hình thức chất liệu nào đó, không thể phục hồi sau khi lớp bao phủ bị bào mòn hoặc hư hỏng mất.
Chất liệu (tiếng Anh: Materials, Substance): Là 1 khái niệm hàm ý nói đến tính chất nguồn gốc hơn là một vật liệu cụ thể. Trong nghệ thuật, các dạng cảm hứng, tình cảm, sự rung động cũng được gọi là chất liệu của sáng tạo, ví dụ khai thác “chất liệu dân gian” trong hội họa, sân khấu, âm nhạc hoặc ý tưởng thiết kế mỹ thuật, game..
Trong lĩnh vực xây dựng nội thất, chất liệu được gắn với nguồn gốc vật chất của nguyên liệu làm ra vật liệu. Từ các loại vật chất – nguyên liệu tùy tính chất lý hóa, dạng thức, công dụng, cách sử dụng.. mà chế tạo ra các vật liệu khác nhau có cùng nguồn gốc với các hiệu quả sử dụng và hiệu quả thị giác như nặng – nhẹ, giòn – dẻo, đặc – xốp, thô sần – mịn bóng, trong – đục… và tồn tại ở các dạng khối, tảng, tấm, miếng, thanh, thỏi, sợi hay hạt, bột, sệt, nhão, lỏng… Ví dụ như đá tự nhiên có loại tấm, miếng được để thô, mài bóng; gỗ có gỗ tự nhiên như lim, sồi.. hoặc gỗ công nghiệp như ván dăm, ván ghép, ván ép veneer.
Cấu trúc bề mặt (tiếng Anh: Texture, Fabrics): Mọi vật liệu đều có dạng cấu trúc bề mặt riêng. Cấu trúc bề mặt tác động rất lớn tới cảm nhận của con người. Thông qua xúc giác con người có thể cảm nhận sự mịn màng hay thô nhám, bằng phẳng hay lượn sóng; độ cứng rắn hay mềm mại của vật thể. Thông qua thị giác, bằng sự phản chiếu ánh sáng lên bề mặt người ta cũng cảm nhận được các đặc tính về độ bóng hay gồ ghề; sắc độ, quang độ và vân thớ của vật thể. Cấu trúc bề mặt phản ánh yếu tố tự thân vốn có của chất liệu, ví dụ sự gồ ghề của đá, vân thớ của gỗ, kiểu dệt của vải. Tuy vậy, cấu trúc bề mặt của 1 chất liệu không bất biến mà thay đổi dưới các tác động bên ngoài, hình thành nên vẻ bề ngoài của vật liệu. Ví dụ đá được mài nhẵn và đánh bóng thì lại không còn gồ ghề mà lại thấy nổi rõ vân thớ của đá, hoặc gỗ không còn thấy rõ vân nếu được chạm khắc hoặc đốt cháy. Như vậy cùng 1 chất liệu, nhiều khi mỗi vật liệu cụ thể lại có thể có hình thể cấu trúc bề mặt không giống nhau tuy đều phản ánh tính đặc trưng của chất liệu nhưng ở các mức độ khác nhau: Hình thể tự nhiên, hình thể do nhà sản xuất định hình hoặc hình thể hoa văn do nhà thiết kế sáng tạo ra.
Với vật liệu nội thất, cấu trúc bề mặt cũng có thể chỉ là lớp phủ ngoài mang tính bảo vệ hoặc trang trí của vật liệu, chứ không phản ánh yếu tố tự thân vốn có của chất liệu. Phần chất liệu cốt lõi bị ẩn đi, cái ta nhìn thấy chỉ là hoa văn, màu sắc nhân tạo. Hiện nay lớp phủ ngoài vô cùng phong phú, cả về cấu tạo, hình thức lẫn chất liệu tạo thành. Cấu trúc bề mặt dạng này có sẵn trên vật liệu, hoặc tạo ra sau theo ý đồ riêng bằng nhiều phương pháp và chất liệu khác nhau.
Chất cảm vật liệu
Cảm xúc mà mỗi loại vật liệu mang đến cho con người được gọi là Chất cảm vật liệu, được hình thành qua trải nghiệm trong đời sống của chúng ta. Đó là sự cảm nhận kết hợp từ nguồn gốc vật chất và cách bề mặt của vật liệu xuất hiện, làm ta thấy dường như mỗi vật liệu có 1 ngôn ngữ biểu cảm riêng.
Ta có thể thấy cho dù vật liệu có cấu tạo, cách sản xuất, ứng dụng khác nhau nhưng đều có sự tương đồng của chất liệu gốc. Ví như đá, gạch thì trầm ổn và chắc chắn; gỗ ấm áp và sâu lắng; kim loại lạnh lẽo bền bỉ; thủy tinh bóng bẩy nhẵn nhụi nhưng dễ vỡ; sợi dệt thì ấm áp mềm mại … Tiềm thức con người thường mặc định rằng vật liệu từ chất liệu gỗ thì mềm ấm và không bền chắc bằng chất liệu đá hoặc kim loại nhưng bền hơn và lại kém mềm ấm, thân thiện so với chất liệu vải …
Cùng loại chất liệu, màu sắc và cấu trúc bề mặt tác động mạnh mẽ tới cảm nhận. Ví dụ cùng là tường ghép mảnh bằng gỗ, cấu trúc bề mặt các miếng gỗ từ phẳng mịn đến đến thô ráp sẽ cho thấy hiệu ứng khác nha: Mảng đầu tiên có vẻ sáng và sạch, nhưng vì quá mịn lại dẫn đến hơi lạnh và nhìn cả mảng tường lại cho cảm giác không thật, dấy lên sự nghi ngờ liệu có phải là vật liệu ốp giả gỗ?; mảng thứ hai gỗ được đánh bóng nổi vân và độ dày các miếng gỗ không bằng phẳng cho ta thấy rõ gỗ thật, nhìn cả mảng tường sẽ thấy sang trọng hơn nhưng hơi lỳ; mảng thứ ba lộ rõ các thớ gỗ cùng với các diện vát chéo, nhìn toàn thể thấy phá cách, mạnh mẽ gợi cảm hơn hai mảng trước; mảng thứ tư với các thớ gỗ nổi hẳn lên, tuy ghép phẳng mặt vẫn làm ta thấy mộc mạc nhuốm màu thời gian; mảng thứ năm gai góc hoang dã nhưng lại khá thân thuộc.
Chất cảm vật liệu mang tính cảm xúc, là yếu tố quan trọng của nhà thiết kế trong lựa chọn và bố trí vật liệu để nêu bật phong cách, chủ đề trang trí. Đồng thời chất liệu và cấu trúc bề mặt cũng định rõ ranh giới các cấu kiện, đồ đạc trong không gian.
Phân loại vật liệu trong thiết kế nội thất
Có rất nhiều cách phân loại theo tiêu chí khác nhau như nguồn gốc, cách sản xuất, cấu tạo, ứng dụng.. Do tính chất mỗi loại vật liệu thường đan xen khó tách biệt nên cách phân loại theo nguồn gốc và quá trình sản xuất là phù hợp với công tác thiết kế nội thất, trong đó mỗi loại lại được xem xét các yếu tố khác nhau.
Vật liệu truyền thống
Vật liệu truyền thống xuất hiện từ xa xưa, gồm 2 loại:
Vật liệu tự nhiên: Giữ nguyên tình trạng vật chất của nguyên liệu trong tự nhiên, chỉ gia công hình dáng để sử dụng. Chẳng hạn như các loại đá, gỗ, tre, da và các loại vải vóc, sợi dệt..
Vật liệu tự nhiên chuyển đổi: nguyên liệu từ tự nhiên nhưng đã qua chế biến làm thay đổi tính chất hóa, lý, cơ, hình dáng… hình thành đặc tính chất liệu, khác với nguyên liệu tạo ra. Chẳng hạn như các loại kim loại, gạch, gốm sứ, thủy tinh, thạch cao..
Các vật liệu này hình thành từ nguyên liệu có sẵn thiên nhiên, xét theo nguồn gốc có thể chia ra làm 2 dòng có đặc điểm khác nhau:
Vật liệu hữu cơ tự nhiên: Có nguồn gốc từ sinh thực vật như các loại gỗ, mây tre, da, vải, len… Chịu lực kém, độ bền thấp, dễ bị phá hủy bởi nhiệt độ, độ ẩm cao và vi sinh vật. Dễ tái chế, dễ dàng phân hủy.
Vật liệu vô cơ tự nhiên: Có nguồn gốc từ khoáng chất hoặc kim loại như gạch đá, cát, sắt nhôm đồng và hợp kim màu, thạch cao… Thường có độ bền chắc và độ chịu lực cao, chịu tác của môi trường và nhiệt độ, độ ẩm cao hơn vật liệu hữu cơ. Khả năng tái chế và độ phân hủy kém hơn vật liệu hữu cơ.
Vật liệu truyền thống có tính thân thiện với môi trường, dễ dàng phân hủy hoặc tái chế, gia công đơn giản nên còn được coi là vật liệu bền vững. Tuy giá thành thường cao do sự khan hiếm tài nguyên theo thời gian và mức độ hao phí nguyên liệu lớn, nhưng đã ăn sâu vào tiềm thức con người nên vật liệu truyền thống vẫn được ưu tiên sử dụng trong nội thất cần taọ cảm xúc thân thuộc, ấm áp. Mặt khác, sự hấp dẫn trực quan do có thể cảm nhận chất cảm vật liệu qua tiếp xúc chứ không chỉ mắt nhìn, nên vật liệu truyền thống thường được lựa chọn trang bị cho những không gian cần nêu bật cảm giác của đồ “thật”, thường là các công trình cao cấp, sang trọng.
Vật liệu công nghiệp
Mới xuất hiện từ kỷ nguyên công nghiệp hóa gần đây, gồm 2 dòng:
Vật liệu nhân tạo: Còn gọi là vật liệu tổng hợp, là những vật liệu ra đời từ nguyên liệu không tồn tại trong tự nhiên và được sản xuất thông qua các quy trình công nghiệp. Hầu hết có nguồn gốc từ than đá hoặc dầu mỏ, thường biết với tên gọi là Chất dẻo – Polyme vô cơ và hữu cơ. Phổ biến nhất là nylon, polyester, sợi carbon, acrylic, composite, epoxy… Chúng là nguyên liệu chế tạo ra các vật liệu nội thất nhân tạo từ các loại sơn, sợi đan và các tấm phủ, tấm ốp đến các loại đồ đạc, thiết bị, vật trang trí…
Vật liệu sản xuất công nghiệp: là những vật liệu phối chế nguyên liệu truyền thống với phụ gia và (hoặc) gia công bằng công nghệ hiện đại như gỗ ép, gạch ceramic, tấm thạch cao, khung xương tôn…
Vật liệu công nghiệp thường được sản xuất hướng đến mục đích cụ thể và khắc chế nhược điểm của vật liệu truyền thống có công dụng tương đương. Quá trình sản xuất tận dụng được tối đa nguyên liệu nên thường có giá thành rẻ hơn vật liệu truyền thống.
Nội thất sử dụng vật liệu công nghiệp mang vẻ đẹp của sự đơn giản, mang chất liệu của sự hiện đại với các đường nét rõ ràng, bề mặt trơn tru sạch sẽ. Mặt khác, một số vật liệu công nghiệp có khả năng “giả trang” – diễn tả các chất liệu khác nhau trên bề mặt, có thể sử dụng thay thế cho vật liệu truyền thống với chi phí thấp hơn đáng kể. Khoa học và công nghệ thay đổi từng ngày, không ngừng phát minh và chế tạo ra các chất liệu tổng hợp mới với tính năng vượt trội. Càng ngày vật liệu công nghiệp càng phong phú về chủng loại, công dụng, hình thức. Do vậy tuy một số loại vật liệu tổng hợp khó phân hủy, khó tái chế nhưng vật liệu công nghiệp đang được sử dụng rộng rãi với tỉ lệ ngày càng cao trong nội thất.
Lựa chọn vật liệu trong thiết kế nội thất
Đối với nhà thiết kế, vật liệu và lớp hoàn thiện là nguồn cảm hứng đồng thời cũng không dễ dàng để lựa chọn trong bất cứ thiết kế nội thất nào.
Yêu cầu chung của vật liệu nội thất
- An toàn cho con người cả về cơ học lẫn sinh học;
- Phù hợp với chức năng của mỗi thành phần nội thất về công năng và thẩm mỹ trên cơ sở ý đồ tổng thể chung;
- Phù hợp với ngân sách dự án và nguồn cung ứng của thị trường.
Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn vật liệu
- Công năng: Mỗi cấu kiện, vật dụng trong các thành phần nội thất đều nhằm phục vụ mục đích sử dụng nào đó, như ngăn chia hoặc bao che không gian, cản hoặc cho phép ánh sáng, nhiệt độ, tiếng động xuyên qua; để đi lên, ngồi lên hoặc treo, đỡ vật khác .. sẽ cần đến vật liệu có tính năng cơ lý và hình dạng tương ứng;
- Tính thẩm mỹ: Thông qua màu sắc và chất cảm vật liệu qua biểu hiện bên ngoài, là yếu tố quan trọng nhằm đạt được sự nhất quán trong ý đồ tạo hình. Trong một số trường hợp muốn nhấn mạnh phong cách hoặc chủ đề, vật liệu được ưu tiên lựa chọn theo hình thức;
- Sở thích và vấn đề an toàn: Là sự lựa chọn vật liệu thích ứng với từng cá nhân người dùng. Có người thấy thoải mái với sàn trải thảm êm ái, người khác lại yêu thích sàn gạch đá trơn nhẵn sạch sẽ. Mặt khác, thảm sàn dễ giữ bụi và là môi trường cho vi sinh vật lại gây các bệnh dị ứng với 1 số người, hoặc đá lát sàn bóng loáng có thể trơn trượt gây tai nạn. Rất cần cân nhắc vật liệu nhằm đáp ứng sở thích riêng nhưng cũng cần đề phòng mối nguy hiểm mà chúng có thể tạo ra cho người sử dụng khác;
- Ngân sách và chi phí: Ngân sách luôn chi phối việc lựa chọn chất lượng vật liệu, trong 1 số trường hợp là yếu tố chính. Cần tính đến bao gồm cả chi phí mua vật liệu lẫn chi phí bảo trì. Do vậy, cần cân đối ngân sách nhằm đưa ra quyết định hợp lý nhất. Đôi khi chính rào cản về chi phí lại buộc ta tìm ra các giải pháp sáng tạo như cách ứng dụng vật liệu bằng cách khác, thậm chí tìm ra vật liệu mới;
- Độ bền và bảo trì: Tùy chức năng và vị trí, mỗi cấu kiện trong các thành phần nội thất đều chịu sự tác động khác nhau của hoạt động, môi trường và thử thách của thời gian, cũng như yêu cầu bảo trì và làm vệ sinh. Ví như sàn công trình dịch vụ chịu tác động của sinh hoạt con người lớn hơn và thường xuyên phải lau chùi hơn nhà ở, vì vậy độ bền chịu va đập, mài mòn và khả năng bảo trì dễ dàng phải được ưu tiên hơn khi lựa chọn.
- Nguồn cung cấp và thời gian thi công: Không phải vật liệu nào cũng dễ tìm trên thị trường, rất có thể chúng khan hiếm hoặc đã ngừng sản xuất vì nhiều nguyên nhân. Mặt khác, tuy cùng công dụng nhưng mỗi loại vật liệu đòi hỏi quy trình gia công lắp đặt khác nhau. Lựa chọn các vật liệu sẵn có và phương thức hoàn thiện đơn giản giúp đẩy nhanh quá trình thi công và cũng hạn chế phát sinh chi phí.
Nguyên tắc lựa chọn vật liệu
- Cân bằng giữa các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn vật liệu;
- Khai thác tối đa các tính năng đặc điểm của mỗi loại vật liệu;
- Tính trước tác động qua lại của từng vật liệu trong bối cảnh chung
Quy trình lựa chọn vật liệu
Về cơ bản bao gồm bốn bước chính:
- Chuyển từ ý đồ thiết kế thành các mục tiêu và yêu cầu mà vật liệu phải đáp ứng. Bao gồm công năng, tính thẩm mỹ và các yếu tố tác động;
- Tìm kiếm từ các nguồn như internet, thư viện, kinh nghiệm… sàng lọc thông tin để xác định vật liệu nào phù hợp cho dự án thiết kế. Khám phá các giải pháp thay thế hoặc cách ứng dụng riêng cho bất kỳ sản phẩm nào không có hoặc chưa vừa ý;
- So sánh với mục tiêu và yêu cầu ban đầu, kiểm tra lại xem các kết quả lựa chọn có đúng hướng hay không. Xếp hạng các vật liệu có thể đáp ứng thiết kế tốt nhất. Đừng quên tính đến ngân sách của dự án và nguồn cung ứng;
- Chỉ định vật liệu cho các cấu kiện và vật dụng trong các thành phần nội thất, chi tiết nhất có thể.
Bằng cách thực hiện quy trình, nhà thiết kế có thể chỉ định vật liệu tối ưu về mọi mặt: Công năng, thẩm mỹ, chất lượng, chi phí và thời gian.
Tùy tính chất và chức năng không gian mà đặt thứ tự ưu tiên cho yêu cầu vật liệu
Lựa chọn và ứng dụng vật liệu trong thiết kế
Cách thức nhằm lựa chọn và sử dụng vật liệu 1 cách hiệu quả, đáp ứng mục tiêu thiết kế là cần chọn đúng loại, đặt đúng chỗ nhưng sử dụng vật liệu một cách linh hoạt và sáng tạo. Bao hàm nhiều mặt:
Tiêu chí lựa chọn vật liệu đối với mỗi dự án:
Dù mỗi vật liệu và lớp hoàn thiện cần đáp ứng các yêu cầu chung và cân đối các yếu tố ảnh hưởng, tiêu chí lựa chọn vật liệu cho mỗi dự án không như nhau. Ví dụ: Đặt độ an toàn lên trước cho các dự án phục vụ đông người, nơi hoạt động của người già và trẻ em như bệnh viện, nhà trẻ, nhà dưỡng lão… và không gian công tác như khán phòng, bếp nấu, tắm hơi..; đặt tính thẩm mỹ lên trước cho các công trình cần hình thức thu hút như nhà hàng, quán, shop… và không gian mang tính đối ngoại như phòng khách, phòng trưng bày…; đặt chi phí lên trước cho các công trình có ngân sách hạn hẹp hoặc vòng đời ngắn cần thay đổi nội thất theo định kỳ.
Khai thác tối đa các tính năng đặc điểm của mỗi loại vật liệu
Thông thường trong quá trình hình thành ý đồ, nhà thiết kế đã hình dung sơ bộ về các loại vật liệu phù hợp với chức năng và phong cách dự án. Tại các giai đoạn sau, vật liệu sẽ ngày càng rõ nét hơn, trở thành mục tiêu và yêu cầu mà vật liệu phải đáp ứng. Trong đó, yêu cầu công năng (khả năng làm việc) và tính thẩm mỹ (hình thức lộ ra bên ngoài) là “điều kiện cần và đủ” của vật liệu cho mỗi cấu kiện, vật dụng trong các thành phần nội thất. Nhà thiết kế căn cứ vào chức năng, vị trí của cấu kiện mà tìm kiếm vật liệu thích hợp. Đầu tiên để đảm bảo khả năng làm việc, vật liệu phải đáp ứng yêu cầu về đặc tính cơ học như khả năng chịu nén, chịu kéo, chịu uốn, chống mài mòn…; đặc tính vật lý như cách âm, cách nhiệt, chịu nước hoặc che/nhìn xuyên thấu… Tiếp theo là đáp ứng yêu cầu về hình thức thông qua chất cảm vật liệu như chất liệu, màu sắc, cấu trúc bề mặt; hình dạng như khối, tấm, thanh hay viên, sợi…
Lựa chọn đúng là trên cơ sở cân bằng giữa các yếu tố ảnh hưởng, khai thác tối đa các tính năng đặc điểm của mỗi loại vật liệu. Việc lựa chọn nào đó thường căn cứ trên tình huống cụ thể. Như nếu cần đến chất cảm vật liệu chân thật thông qua các giác quan, cần chọn vật liệu “thật” – đồng chất. Nếu chỉ cần cảm nhận qua thị giác mà lại muốn giảm chi phí hoặc cần đến 1 đặc tính nào đó (như nhẹ, thi công đơn giản, chiếm ít khối tích…), nên nghĩ đến việc sử dụng vật liệu công nghiệp “giả trang”, hoặc ốp dán vật liệu hoàn thiện có hình thức mong muốn ra ngoài vật liệu vốn mang tính cấu tạo và chịu lực tốt nhất.
Một ví dụ khác: Thay vì phải xây tường ngăn và chia khoang khu vệ sinh riêng trong phòng ngủ, ta có thể sử dụng kính cường lực ở những diện không bố trí đường ống cấp thoát nước và các thiết bị gắn tường. Bởi về tính năng, kính chịu nước lại trơ với các hóa chất trong xà phòng và nước tẩy rửa và bề mặt lại phẳng nhẵn dễ làm vệ sinh. Về chịu lực và độ an toàn, kính cường lực ngoài cứng chắc rất khó vỡ, nếu vì lý do nào đó bị vỡ thì chỉ tạo ra các mảnh nhỏ như hạt ngô không gây nguy hiểm. Về tổng thể, tuy rằng kính có giá khá cao nhưng khi tính toán đủ các chi phí so với tường xây kèm trát và ốp gạch men thì tổng chi phí tương đương, lại chiếm ít diện tích sàn hơn, chưa kể đến các yếu tố như phòng sáng sủa và thời gian thi công ngắn hơn tường gạch nhiều. Dĩ nhiên khi đã quyết định sử dụng tường kính, cần điều chỉnh lại hình thức và màu sắc vật liệu ốp lát phần tường sàn còn lại sao cho phù hợp với kính.
- Lường trước tác động qua lại của từng vật liệu trong bối cảnh chung: Tại mỗi nơi trong không gian nội thất, vật liệu chịu thách thức về khí hậu và môi trường, đồng thời chịu sự tác động của ánh sáng, màu sắc, bố cục. Do vậy, cần đặt việc lựa chọn trong bối cảnh chung của không gian. Ta có thể thấy:
- Các vật liệu và lớp hoàn thiện khác nhau có thể có tác động lớn đến cảm giác tổng thể của căn phòng. Ví dụ, các vật liệu gốc hữu cơ hoặc có bề mặt nhám và mềm mại như tre gỗ, vải và gạch nung có thể tạo ra một bầu không khí ấm cúng và hấp dẫn, trong khi các vật liệu vô cơ hoặc có bề mặt bóng và cứng như đá, kim loại và kính có thể mang lại cho không gian cảm giác mát mẻ và bóng bẩy, hiện đại. Thế nhưng chất liệu ấm áp vào mùa đông có khả năng sẽ nóng nực vào mùa hạ và ngược lại, bóng bẩy mang lại cảm giác mát mẻ vào mùa hè, có khả năng sẽ lạnh lẽo vào mùa đông;.
- Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là một mối quan tâm khi lựa chọn vật liệu. Ánh sáng mặt trời trực tiếp có thể gây nứt nẻ, cong vênh hoặc biến đổi màu sắc một số loại gỗ; gây bong tróc các tấm ốp hoặc miếng kim loại liên kết dán do sự co giãn nhiệt… Ở khía cạnh khác, ánh sáng tự nhiên thay đổi trong ngày có thể biến đổi đáng kể về cảm nhận một số chất liệu nhất định (gỗ, sơn, vải rèm…). Chiếu sáng cũng tác động đến sự nhận thức của con người về hình thể cấu trúc bề mặt. Ví dụ chiếu sáng trực diện cường độ mạnh gây lóa, cường độ thấp hoặc tán xạ gây nhòa, đều làm nhận thức cấu trúc không gian 3 chiều của bề mặt giảm đi sự gồ ghề và trở nên mịn màng hơn. Nếu chiếu sáng xiên lại làm bề mặt trở nên thô ráp hơn. Do vậy một mặt ta phải tính đến hiệu ứng bề mặt trong môi trường chiếu sáng, mặt kia có thể dùng chiếu sáng để điều chỉnh chất cảm vật liệu theo ý muốn;
- Bố trí vật liệu trong không gian cũng tác động mạnh đến màu sắc và bố cục chung. Kết hợp và sáng tạo ra các dạng bố trí khác nhau cũng quan trọng như tổ hợp màu sắc và ánh sáng. Nó phải phù hợp với đặc điểm chức năng và hình thức của không gian;
- Màu sắc sẽ thay đổi khi áp dụng cho các bề mặt khác nhau, chưa kể đến hiệu quả chiếu sáng. Cần tính đến sự biến động của màu sắc mỗi vật liệu nhằm liên kết sắc độ vật liệu trên các cấu kiện một cách hợp lý, không tách biệt mà cần bổ sung cho nhau theo ý đồ màu sắc chung cho các thành phần nội thất.
Các thủ pháp bố cục nên được vận dụng khi lựa chọn và sử dụng vật liệu. Ví dụ sự hòa hợp và tương phản cho thấy không nên trộn quá nhiều loại vật liệu khác nhau có cùng một chất liệu. Thay vào đó, việc thay đổi chất cảm vật liệu dễ mang đến cảm giác phong phú nhưng hài hòa, như sự kết hợp giữa cấu trúc bề mặt cứng và mềm, giữa bằng phẳng và mấp mô, giữa sáng và mờ. Mặt khác, sự thay đổi chất liệu còn phản ánh rõ chức năng của cấu kiện, mang đến cảm giác đồ thật chứ không phải chỉ là lớp phủ trang trí. Để nhấn mạnh một vật thể hay chi tiết nào đó, ngoài hình thể và màu sắc hãy nghĩ đến sự đột biến của chất liệu, của cấu trúc bề mặt.
Sử dụng vật liệu một cách linh hoạt và sáng tạo:
Chọn đúng loại, đặt đúng chỗ nhưng sử dụng vật liệu một cách linh hoạt và sáng tạo sẽ giúp nhà thiết kế đưa ra những giải pháp hữu hiệu.
Ví dụ, về cách xử lý một bức tường có sẵn, tùy theo ý đồ thẩm mỹ, phong cách, chủ đề mà nhà thiết kế có thể đưa ra các giải pháp khác nhau: Từ bả nhẵn để sơn màu, tới sơn tạo hình, rồi bóc vữa để lộ gạch mộc một phần, bóc vữa toàn bộ đến sơn trên gạch mộc. Cũng có thể dán, ốp các vật liệu giả trang khác nhau nếu muốn biến đổi cảm nhận sang chất liệu khác, từ đá thô đến gỗ, vải, kim loại và tranh trang trí.
Cũng đừng quên vận dụng một quy luật thú vị, đó là nếu đang tiếp xúc trực tiếp với vật liệu thật, nhận thức con người có xu hướng đánh đồng các vật liệu “giả trang” ngoài tầm với là “thật”. Do đó không nhất thiết phải chỉ định vật liệu thật vốn đắt tiền cho toàn bộ các cấu kiện trong không gian mà có thể thay thế bằng các loại vật liệu công nghiệp có vẻ bề ngoài tương ứng vốn rẻ tiền hơn, nhẹ và dễ thi công hơn khi chúng nằm ở xa.
Những tìm tòi trong sử dụng vật liệu chính là một yếu tố của sáng tạo, đôi khi chỉ cần đưa vào một vật liệu khác thường hoặc xử lý bề mặt khác đi một chút cũng mang đến nét riêng gây chú ý mạnh, hiệu quả cao cho nhấn mạnh chủ đề, đề cao cá tính. Từ đơn giản nhất là ghép nhiều mảnh vật liệu nhỏ, khai thác các kiểu cấu trúc bề mặt phục vụ ý đồ tạo hình riêng, ứng dụng vật liệu sẵn có bằng cách khác thường; phối trộn tái sử dụng vật liệu cũ… đến tận dụng mọi thứ quanh ta biến thành vật liệu độc đáo; tạo ra chất liệu mới.
TS. Nguyễn Tuấn Hải
Khoa Nội thất – ĐH Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 3-2024)
Nguồn:tạp chí kiến trúc : https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/vat-lieu-noi-that.html
0 comments
Write a comment